Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể của mẹ không sản xuất đủ insulin dẫn đến mức đường huyết cao hơn bình thường. Đây là một trạng thái tạm thời và thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên nó cũng tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường sau này đối với cả mẹ và con.
Khái quát về đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ, giống như bệnh đái tháo đường “thông thường”. Đây là một bệnh lý liên quan đến sự rối loạn trong việc sử dụng đường.
Tất cả các tế bào trong cơ thể cần đường để hoạt động bình thường. Đường đi vào các tế bào với sự trợ giúp của hormone insulin. Nếu không có đủ insulin, hoặc cơ thể giảm nhạy cảm với insulin, đường sẽ tích tụ trong máu. Từ đó, nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường và gây ra bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường thai kỳ là một dạng bệnh đái tháo đường mà một số phụ nữ mắc phải khi họ đang mang thai. Nguyên nhân của bệnh lý này là do việc mang thai làm tăng nhu cầu insulin. Tuy nhiên cơ thể người mẹ lại không thể tạo ra đủ lượng insulin.
Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ
Nhiều vấn đề có thể xảy ra cho thai phụ và thai nhi nếu lượng đường trong máu cao. Ví dụ như:
- Trẻ sinh ra có kích thước và cân nặng quá lớn. Điều này có thể làm trẻ bị thương khi chào đời do không thể qua khung xương chậu một cách thuận lợi. Trẻ quá lớn cũng có thể làm tổn thương chính cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở. Trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ bị thừa cân cao hơn sau này.
- Ngay sau khi sinh, em bé có thể có lượng đường trong máu quá thấp, do đó cũng có thể gặp các vấn đề sức khỏe khác.
- Đái tháo đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ thai phụ gặp phải vấn đề đe dọa tính mạng như tiền sản giật.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường thai kỳ
Có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường thai kỳ. Các yếu tố đó bao gồm:
- Đã mắc đái tháo đường thai kỳ trước đây.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Gia đình có người mắc đái tháo đường.
- Trên 25 tuổi; nguy cơ càng cao nếu trên 40 tuổi
Một số thói quen có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ví dụ như:
- Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân.
- Ăn uống lành mạnh, khoa học.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Không hút thuốc lá, rượu bia.
Tham khảo thêm: Thuốc kiểm soát đường huyết
Kiểm tra bệnh đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
Tất cả phụ nữ mang thai đều được kiểm tra bệnh đái tháo đường thai kỳ. Hầu hết các thai phụ nên xét nghiệm đường huyết khi mang thai được 6–7 tháng (24–28 tuần). Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường có thể cần phải xét nghiệm sớm hơn trong thai kỳ.
Nghiệm pháp dung nạp glucose là phương pháp để chẩn đoán đái tháo đường, đặc biệt là đối với đái tháo đường thai kì. Đầu tiên, để đo nồng độ glucose máu khi đói, bạn sẽ được lấy mẫu máu. Đối với xét nghiệm này, máu được lấy trước khi bạn ăn hoặc uống bất cứ thứ gì vào buổi sáng. Sau đó bạn sẽ được cho uống một lượng glucose nhất định (75–100 g).
Tiếp theo, bạn sẽ được lấy mẫu máu cách nhau 1, 2, hay 3 tiếng sau khi uống glucose. Qua đó, các bác sĩ có thể biết lượng đường trong máu của bạn tăng cao như thế nào sau khi uống glucose. Nếu lượng đường trong máu bình thường, bạn đã hoàn tất kiểm tra. Nếu lượng đường trong máu cao hơn bình thường, bạn có thể được yêu cầu thực hiện những xét nghiệm bổ sung khác.

Lưu ý theo dõi và điều trị đái tháo đường trong suốt thai kỳ
Để theo dõi và điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ, bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Lương đường này có thể đo bằng các thiết bị tự đo đường huyết tại nhà. Hầu hết người bệnh có thể giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Một số người bệnh cũng cần tiêm insulin hoặc sử dụng các loại thuốc điều trị khác.

Tôi nên thay đổi chế độ ăn uống của mình như thế nào?
Mỗi người bệnh có một cơ thể khác nhau. Vì vậy không có một chế độ ăn duy nhất nào phù hợp với tất cả mọi người. Mặc dù vậy, hầu hết người bệnh nên:
- Tránh thức ăn quá ngọt và thức ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Lựa chọn bánh mì, sợi mì và gạo làm từ ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt…).
Tham khảo thêm: Thuốc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2
Tôi có nên tập thể dục không?
Tập thể dục hàng ngày sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cân nặng của bạn. Ngay cả những hình thức tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp ích cho sức khỏe của bạn.
Nếu bạn tập thể dục mỗi ngày, bạn nên tiếp tục duy trì hoặc có thể tăng mức độ hoạt động thể chất của bạn. Nếu bạn chưa từng tập và muốn bắt đầu, hãy tham khảo bác sĩ của bạn để biết về các hoạt động an toàn trong thai kỳ.

Khoảng bao lâu thì tôi phải gặp bác sĩ?
Những người bị đái tháo đường thai kỳ cần đi khám bác sĩ thường xuyên hơn những thai phụ khác. Tần suất bạn đi khám sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ trong mỗi lần khám. Ngoài ra, xem xét về liệu pháp điều trị của bạn có sử dụng insulin hay không. Trong những lần thăm khám này, bác sĩ sẽ:
- Kiểm tra em bé của bạn.
- Hỏi về chế độ ăn uống, chế độ tập luyện của bạn.
- Đảm bảo lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định.
- Điều chỉnh liều insulin hoặc các thuốc khác (nếu bạn có dùng thuốc).

Tôi có thể sinh thường được không?
Nếu lượng đường trong máu của bạn gần với mức bình thường, bạn sẽ có nhiều khả năng sinh thường. Trong khi sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn để kiểm soát nó không quá cao.
Bệnh đái thái đường thai kỳ sẽ thế nào sau khi tôi sinh con?
Bệnh đái tháo đườngcó thể sẽ biến mất và lượng đường trong máu có thể sẽ trở lại bình thường sau khi sinh. Trong trường hợp đó, bạn có thể ngưng điều trị nếu đang dùng insulin hoặc các loại thuốc khác. Mặc dù vậy, bác sĩ vẫn sẽ theo dõi, kiểm tra bạn thường xuyên. Điều này để đảm bảo nồng độ đường trong máu trở lại bình thường và duy trì ở mức ổn định.
Những người bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ rất cao mắc bệnh đái tháo đường sau này. Bạn nên kiểm tra định kỳ 2 hoặc 3 tháng sau khi sinh. Sau đó vài năm một lần để theo dõi và tầm soát bệnh đái tháo đường.
Nhóm thuốc quan trọng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ
Việc sử dụng thuốc điều trị trong giai đoạn mang thai là rất quan trọng vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đây là những thuốc phổ biến trong việc điều trị đái tháo đường thai kì như sau:
Insulin
Insulin là một hormone do tế bào beta của tuyến tụy tiết ra. Nồng độ glucose trong máu là yếu tố quan trọng chính điều hòa tiết insulin. Insulin là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm nồng độ glucose trong máu giảm.
Insulin được khuyến cáo mạnh trong điều trị đái tháo đường thai kỳ. Bởi vì thuốc có hiệu quả, dễ dàng điều chỉnh liều dựa trên nồng độ glucose trong máu và an toàn cho thai nhi.
Metformin và glyburide
Metformin và glyburide là thuốc hạ đường huyết không chứa insulin duy nhất được sử dụng trong thai kỳ. Cả hai thuốc hạ đường huyết đường uống này đều có ưu điểm là giảm chi phí đáng kể so với insulin. Metformin làm thay đổi lượng đường trong máu bằng cách:
- Ức chế quá trình tân tạo glucose tại gan.
- Ức chế quá trình hấp thụ glucose từ đường ruột.
- Tăng cường sử dụng glucose tại các tế bào.
Nhóm thuốc này có thể giảm HbA1c từ 1–2%. Glyburide thuộc nhóm sulfonylurea và có tác dụng làm giảm nồng độ glucose trong máu. Nhóm này thông qua cơ chế làm tăng tính nhạy cảm của tế bào beta tuyến tụy với glucose, từ đó làm tăng giải phóng insulin.
Qua những chia sẻ mà MKT Pharma cung cấp, hy vọng sẽ giúp cho Quý bệnh nhân và gia đình có thể biết được bệnh đái tháo đường thai kỳ là gì và những điều cần lưu ý về bệnh lý này. Để liên hệ tìm mua thuốc điều trị đái tháo đường chính hãng, Quý khách hàng có thể truy cập website MKT Pharma để biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm.