Viêm phế quản là bệnh lý phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân bị viêm phế quản thường cảm thấy khó thở, ho dai dẳng và ho ra đờm đặc.
Tổng quan về bệnh
Phế quản là hệ thống các ống dẫn khí nối khí quản đến phế nang (nhu mô phổi). Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản. Viêm phế quản có thể bắt đầu đột ngột và ngắn hạn (cấp tính) hoặc trở thành bệnh dài hạn (mãn tính).

Viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính rất phổ biến, thường là do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác. Các triệu chứng có thể kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Hầu hết bệnh nhân đều hồi phục sau khoảng thời gian ngắn.
Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính (mãn tính) là bệnh lý viêm phế quản nặng hơn. Đây tình trạng kích ứng hoặc viêm liên tục ở niêm mạc ống phế quản, thường là do hút thuốc. Việc thở sẽ khó khăn hơn vì tình trạng viêm không gián đoạn, dẫn đến sưng nặng và sản xuất nhiều chất nhầy.
Viêm phế quản mạn tính kéo dài ít nhất ba tháng và tái phát ít nhất 2 năm liên tiếp. Bệnh là một phần biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Triệu chứng của viêm phế quản
Bệnh gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản (cấp tính lẫn mạn tính) bao gồm các triệu chứng trên đường hô hấp, như:
- Khó thở.
- Cảm thấy đầy hoặc tắc nghẽn ở ngực.
- Thở khò khè hoặc khi thở phát ra tiếng như huýt sáo.
- Ho ra đờm trong hoặc có màu trắng, vàng, xanh lá cây. Đôi khi trong chất nhầy sẽ có vệt máu.

Các triệu chứng ở người bị viêm phế quản cấp tính
Triệu chứng của viêm phế quản cấp tính cải thiện sau vài ngày đến 3 tuần. Một số triệu chứng khác của viêm phế quản cấp tính bao gồm:
- Đau họng.
- Sốt nhẹ.
- Nghẹt mũi.
- Ớn lạnh.
- Đau nhức cơ.
- Cảm thấy mệt mỏi.
Khi các niêm mạc phế quản lành lại và tình trạng sưng tấy giảm xuống thì triệu chứng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, cơn ho vẫn có thể kéo dài dai dẳng trong một vài tuần mặc dù các triệu chứng khác đã biến mất.
Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính
Các triệu chứng của các trường hợp cấp tính sẽ tự khỏi sau 2 − 3 tuần. Với viêm phế quản mãn tính, ho có đờm có thể kéo dài ba tháng hoặc lâu hơn. Triệu chứng cũng sẽ trầm trọng hơn so với cấp tính. Tình trạng bị viêm cấp tính trên nền bệnh viêm phế quản mãn tính cũng có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây viêm phế quản
Viêm phế quản cấp tính chủ yếu là do viêm đường hô hấp bởi virus gây ra. Chẳng hạn như các virus gây cảm lạnh, cảm cúm (influenza), RSV,… Một số nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây viêm phế quản cấp tính.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản mãn tính là do hút thuốc lá thường xuyên. Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí, bụi hoặc khí độc trong môi trường cũng góp phần gây ra tình trạng này.

Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố khác có thể góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng viêm. Những yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh viêm phế quản hoặc làm bệnh trở nặng:
- Hút thuốc: Nữ giới hút thuốc có nguy cơ cao hơn nam giới.
- Bệnh nhân bị hen suyễn và dị ứng.
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu. Thường xảy ra ở người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính, cũng như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản (GERD – Gastroesophageal reflux disease).
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh phổi.
Viêm phế quản có lây lan không?
Virus lây lan chủ yếu từ người sang người thông qua các giọt bắn hoặc khi bạn chạm vào vật có virus vào mắt, mũi, miệng. Người khoẻ mạnh có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc các yếu tố trên.
Điều trị viêm phế quản
Viêm phế quản cần có biện pháp điều trị phù hợp để tránh bệnh tái phát hoặc tiến triển xấu hơn. Vậy điều trị viêm phế quản ra sao?
Điều trị viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính có thể tự khỏi sau một vài tuần. Nếu nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn (hiếm gặp), bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân. Để làm dịu các triệu chứng viêm phế quản cấp tính, bạn có thể:
- Nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước để làm loãng chất nhầy, giúp dễ ho.
- Không hút thuốc, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều bụi.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn để làm giảm tình trạng viêm.
- Dùng thuốc ho không kê đơn. Đối với trẻ em cần cẩn thận khi cho trẻ uống thuốc, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.
Điều trị viêm phế quản mạn tính
Mục tiêu của điều trị viêm phế quản mạn tính là kiểm soát triệu chứng bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi lưu thông không khí; chống nguy cơ suy hô hấp. Do đó, để điều trị viêm phế quản mạn tính cần:
- Ngưng hút thuốc. Tránh xa khói thuốc lá (tránh hút thuốc lá thụ động).
- Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản, thuốc tiêu nhầy tùy tình trạng,
- Thiết bị làm sạch chất nhầy.
- Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng phối.
- Liệu pháp oxy: Cung cấp khí thở cho người mắc bệnh lý về hô hấp.

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là một bệnh lý gây nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì thế, cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh, Một số biện pháp thể ngăn ngừa viêm phế quản và giảm nguy cơ tái phát, gồm:
- Ngừng hút thuốc.
- Tránh khói, ô nhiễm không khí hoặc khói thuốc lá thụ động.
- Tiêm vaccine đầy đủ. Tiêm nhắc lại theo khuyến nghị.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh viêm phế quản cấp tính và mạn tính. Theo dõi website Công Ty TNHH Dược Phẩm MKT để nắm thêm nhiều thông tin về bệnh học, các thuốc điều trị để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.