Chế độ ăn uống chính là một phần quan trọng trong quản lý đái tháo đường. Việc lựa chọn các loại thực phẩm và cân bằng khẩu phần ăn có thể giúp kiểm soát mức đường huyết và giảm nguy cơ các biến chứng của bệnh.
Tại sao chế độ ăn uống quan trọng trong bệnh đái tháo đường?
Chế độ ăn uống rất quan trọng vì nó là một phần của liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống và tính toán lượng thức ăn mỗi bữa để giúp việc kiểm soát đường huyết. Những điều quan trọng đối với tất cả người bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Giữ lượng đường trong máu bình thường hoặc gần mức bình thường nhất có thể.
- Ngăn ngừa các biến chứng lâu dài (như các vấn đề về tim hoặc thận,…).
Chế độ ăn uống có thể giúp người bệnh phòng ngừa các vấn đề khác như béo phì, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và dẫn đến biến chứng nguy hiểm như đau tim hoặc đột quỵ.
Ai sẽ giúp bạn thay đổi chế độ ăn uống?
Các bác sĩ sẽ phối hợp với bạn lập kế hoạch nhằm thay đổi chế độ ăn uống phù hợp với bệnh đái tháo đường. Họ có thể khuyên bạn phối hợp với chuyên gia dinh dưỡng để có những lời khuyên chi tiết và phù hợp nhất. Việc hợp tác này giúp bạn đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các bữa ăn có cần cùng một thời điểm mỗi ngày không?
Thời gian và tần suất ăn của bạn phụ thuộc một phần vào loại thuốc điều trị đái tháo đường bạn đang sử dụng. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp liều lượng thuốc giúp duy trì mức đường huyết ổn định. Ví dụ:
- Người sử dụng insulin vào cùng thời điểm mỗi ngày ( chế độ liều cố định) nên ăn các bữa ăn vào cùng một thời điểm. Điều này cũng đúng với những người dùng các thuốc uống làm tăng nồng độ insulin, (như sulfonylurea). Việc ăn các bữa ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu dao động và hạ thấp đột ngột.
- Người điều chỉnh liều lượng và thời gian sử dụng insulin mỗi ngày ( chế độ liều linh hoạt) không cần phải ăn các bữa cùng một lúc. Đó là bởi vì họ có thể điều chỉnh liều insulin phù hợp trước khi ăn.
- Người bệnh dùng các thuốc không hạ đường huyết nghiêm trọng (như metformin,…) thì không phải ăn các bữa ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Bạn cần nghĩ đến những điều gì khi lập kế hoạch ăn uống?
Cơ thể chúng ta phân hủy thức ăn thành những mảnh nhỏ bao gồm tinh bột (carbohydrate), đạm (protein) và chất béo (lipid). Khi lên kế hoạch ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần nghĩ đến:
Lượng tinh bột (carbohydrate hoặc carbs)
Carbohydrate là loại đường mà cơ thể chúng ta sử dụng để tạo năng lượng. Chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu của một người. Thực phẩm có chứa nhiều tinh bột (carbohydrate) bao gồm:
- Bánh mì, mì ống và gạo.
- Rau củ và trái cây.
- Thực phẩm từ sữa.
- Thực phẩm và đồ uống có đường.
Tốt nhất là nên cung cấp carbohydrate từ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo, đặc biệt cần tránh đồ uống có đường (như soda, nước trái cây, đồ uống thể thao,…).
Lượng chất đạm (protein)
Các bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho bạn biết bạn nên ăn bao nhiêu lượng đạm mỗi ngày. Tốt nhất nên ăn thịt nạc, cá, trứng, đậu, đậu Hà Lan, các sản phẩm từ đậu nành, hạnh nhân và các loại hạt. Nên tránh hoặc hạn chế các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói và xúc xích.
Chất béo (lipid)
Loại chất béo mà bạn ăn quan trọng hơn lượng chất béo bạn cung cấp cho cơ thể. Chất béo “bão hòa” có thể là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc vấn đề tim mạch, như cơn đau thắt ngực, đột quỵ.
- Thực phẩm có chất béo bão hòa (saturated fat) bao gồm thịt, bơ, pho mát và kem.
- Thực phẩm có chất béo chuyển hóa (trans fat), là thực phẩm chế biến có chứa “chất béo được hydro hóa một phần”. Các thực phẩm này bao gồm thực phẩm đã qua chiên xào, bánh quy mua tại cửa hàng, bánh nướng và bánh ngọt.
- Chất béo “không bão hòa đơn” (monounsaturated fat) và “không bão hòa đa” (polyunsaturated fat) sẽ tốt hơn cho người bệnh. Thực phẩm có các loại chất béo này bao gồm cá, quả bơ, dầu ô liu và các loại hạt.
Calo
Bạn nên ăn một lượng calo nhất định mỗi ngày để giữ nguyên cân nặng của mình. Nếu bạn thừa cân và muốn giảm cân, hãy ăn ít calo hơn mỗi ngày.
Chất xơ
Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ có thể giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Thực phẩm có nhiều chất xơ bao gồm táo, đậu Hà Lan, đậu lăng, các loại hạt, bột yến mạch và ngũ cốc nguyên hạt.
Muối
Những người bệnh có kèm tăng huyết áp không nên ăn thực phẩm có nhiều muối (hay chứa nhiều natri). Những đối tượng này cũng nên ăn các loại thực phẩm lành mạnh (như trái cây, rau và thực phẩm từ sữa ít chất béo).
Rượu
Uống nhiều hơn 1 ly (đối với nữ) hoặc 2 ly (đối với nam) mỗi ngày có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, các đồ uống có nhiều đường như nước ép trái cây hoặc soda cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu.[1]
Bạn có thể làm gì nếu cần giảm cân?
Nếu cần phải giảm cân, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để lên kế hoạch chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp. Bạn có thể làm các hoạt động như sau:
- Tập thể dục: Cố gắng vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Ngay cả những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ cũng tốt cho sức khỏe của bạn. Một số người mắc bệnh đái tháo đường có thể cần thay đổi liều lượng thuốc trước khi tập thể dục. Họ cũng có thể cần kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục.
- Cung cấp ít calo cho cơ thể hơn bình thường: Các bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể cho bạn biết nên ăn bao nhiêu calo mỗi ngày để giảm cân.
Nếu bạn lo lắng về cân nặng, kích thước hoặc hình dạng cơ thể của mình, hãy nói chuyện với bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ có thể giúp bạn thực hiện các thay đổi để cải thiện sức khỏe.
Có thể ăn cùng loại thức ăn với gia đình không?
Bạn không cần phải ăn những thức ăn quá đặc biệt nếu bạn mắc đái tháo đường. Bạn và gia đình bạn hoàn toàn có thể ăn các loại thực phẩm giống nhau. Thay đổi chế độ ăn uống trong đái tháo đường chủ yếu là ăn thực phẩm lành mạnh và không nên ăn một lượng quá nhiều mỗi bữa.

Tham khảo thêm: Thuốc được chỉ định điều trị đái tháo đường typ 2
Các yếu tố khác trong điều trị đái tháo đường là gì?
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống của bạng iúp duy trì sự ổn định của mức đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng. Các yếu tố khác của điều trị đái tháo đường bao gồm:
- Tập thể dục.
- Tuân thủ sử dụng thuốc điều trị.
Một số người bệnh đái tháo đường cần học cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp với liều lượng thuốc. Ví dụ, những người sử dụng insulin cần được xác định liều insulin phù hợp với cơ thể để hạn chế các tác dụng phụ, trong đó liều insulin được các bác sĩ chỉ định phụ thuộc vào:
- Kế hoạch bữa ăn tiếp theo.
- Kế hoạch chế độ hoạt động thể lực.
- Mức đường huyết hiện tại của người bệnh.
Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không phù hợp với liều lượng thuốc, lượng đường trong máu có thể xuống quá thấp hoặc quá cao. Từ đó có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết hoặc nhiễm toan ceton,…

Qua những chia sẻ mà MKT Pharma cung cấp, hy vọng sẽ giúp cho Quý bệnh nhân và gia đình có thể biết thêm về chế độ ăn uống ở bệnh đái tháo đường. Để liên hệ tìm mua thuốc điều trị chính hãng, Quý khách hàng có thể truy cập website MKT Pharma để biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm.