6 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay

Tăng huyết áp có thể không có triệu chứng rõ ràng, dễ chủ quan. Nếu không được kiểm soát đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Một trong những cách kiểm soát bệnh hiệu quả là dùng thuốc điều trị. Cùng MKT Pharma tìm hiểu 6 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến hiện nay. 

Tổng quan về tăng huyết áp

Tăng huyết áp (huyết áp cao) là sự sự gia tăng dai dẵng áp lực máu trong động mạch. Tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tâm thu ≥140 mmHg và/hoặc tâm trương ≥ 90mmHg. Tình trạng này phổ biến nhưng có thể gây nguy hiểm tiềm ẩn nếu không được điều trị. 

Tăng huyết áp chia làm 2 loại chính: Tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao, bao gồm: 

  • Yếu tố nguy cơ như: tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, tuổi cao (thường lớn hơn 65 tuổi),…
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Bệnh lý như bệnh thận mạn, suy thận, bệnh tuyến giáp, hẹp động mạch chủ,… Chế độ ăn nhiều muối, uống quá nhiều rượu,… 
Ăn quá nhiều muối có thể gây nguy cơ bị tăng huyết áp
Ăn quá nhiều muối có thể gây nguy cơ bị tăng huyết áp

Phân loại tăng huyết áp

Theo Hội Tim mạch học Hoa Kỳ phân loại cấp độ huyết áp thành bốn loại chung. Đó là: 

  • Huyết áp bình thường: Huyết áp thấp hơn 120/80 mmHg . 
  • Huyết áp tăng cao: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 120 đến 129 mmHg. Hoặc huyết áp tâm trương từ 80 mmHg hoặc cao hơn.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 130 đến 139 mmHg. Hoặc huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 80 đến 89 mmHg . 
  • Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu là từ 140 mmHg hoặc cao hơn. Hoặc huyết áp tâm trương là từ 90 mmHg hoặc cao hơn.

6 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp

Có 6 nhóm thuốc dùng điều trị tăng huyết áp hiện nay. Cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của thuốc cũng như tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng.

Nhóm thuốc lợi tiểu

Đây nhóm thuốc quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp và các bệnh lý khác như phù, suy tim,…Cơ chế hoạt động bằng cách loại bỏ nước và natri dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp giảm áp lực máu lên thành và giảm huyết áp. 

Trong nhóm thuốc lợi tiểu có chia các nhóm nhỏ như lợi tiểu quai, lợi tiểu thiazid, lợi tiểu thẩm thấu,…Các hoạt chất phổ biến trong nhóm này bao gồm:

  • Hydrochlorothiazide: Là một trong những thuốc điều trị đầu tay, thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp nhẹ đến trung bình.
  • Furosemide: Được dùng trong điều trị tăng huyết áp nhẹ đến trung bình, kèm suy tim hay bệnh thận. 
  • Spironolactone: Được dùng trong điều trị tăng huyết áp nhẹ đến trung bình, đặc biệt đối với người bị xơ gan hay có chức năng gan suy giảm.

Cần lưu ý các tác dụng không mong muốn khi sử dụng nhóm thuốc này. Tác dụng phụ có thể gặp như:

  • Mất nước.
  • Rối loạn điện giải.
  • Tăng cholesterol, triglycerid, tăng acid uric huyết.
  • Đặc biệt thuốc Furosemid có thể gây độc thận, tai, dị ứng.

Tham khảo thêm: Lisiplus HCT 10/12.5 – Thuốc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

Lisiplus HCT 10/12.5 là thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay
Lisiplus HCT 10/12.5 là thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay

Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACEI)

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors) là một trong những nhóm thuốc phổ biến nhất dùng để điều trị tăng huyết áp. Đây cũng là nhóm thuốc được chỉ định đầu tay điều trị tăng huyết áp đi kèm với bệnh thận hay đái tháo đường.

Cơ chế hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động enzyme chuyển thành angiotensin – yếu tố gây co mạch và giữ nước trong cơ thể. Khi enzyme này bị ức chế sẽ giúp mạch máu sẽ giãn ra, dẫn đến giảm huyết áp. Các hoạt chất phổ biến trong nhóm này như Captopril, Enalapril, Lisinopril, Ramipril,… 

Cần lưu ý các tác dụng không mong muốn khi sử dụng nhóm thuốc này. Đặc biệt ở phụ nữ mang thai chống chỉ định dùng nhóm này. Tác dụng phụ có thể gặp như:

  • Ho khan, thường ho kéo dài về đêm.
  • Tăng kali huyết.
  • Phù mạch, độc trên phôi thai.

Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs)

Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) hoạt động bằng cách ngăn chặn chọn lọc tác động của angiotensin II – yếu tố gây co mạch và tăng huyết áp. Nhóm thuốc này có cơ chế gần giống như nhóm thuốc ức chế men chuyển là giúp giãn mạch, hạ huyết áp. 

Về hiệu quả, thuốc ức chế men chuyển (ACEI) và chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) tương đương nhau nhưng nhóm thuốc ARBs thường ít gây ho hơn. Đây cũng là nhóm thuốc đầu tay dùng cho bệnh nhân bị tăng huyết áp kèm đái tháo đường hay bệnh thận. Có thể dùng đơn trị liệu hay phối hợp với thuốc lợi tiểu.

Các hoạt chất phổ biến trong nhóm này như Losartan, Valsartan, Irbesartan, Telmisartan, Candesartan,…Chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cần lưu ý các tác dụng phụ sau đây:

  • Tăng kali máu.
  • Tiêu chảy, nhức đầu, buồn nôn,..
  • Độc tính trên thai nhi.

Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm

Nhóm thuốc chẹn beta hoạt động bằng cách chặn tác động của adrenaline (epinephrine) lên các thụ thể beta trong cơ thể. Điều này giúp giảm nhịp tim và lực co bóp của tim, từ đó giảm huyết áp. Các thuốc chẹn beta thường được chỉ định cho bệnh nhân có nguy cơ cao về bệnh tim hoặc sau cơn đau thắt ngực.

Nhóm thuốc chẹn beta chia làm 2 loại chính là chẹn beta có chọn lọc và chẹn beta không chọn lọc. Trong đó, nhóm được chia làm 3 thế hệ:

  • Thế hệ 1: Chẹn beta không chọn lọc, các hoạt chất phổ biến như: Propranolol, Nadolol, Timolol. Nhóm này có thể gây co thắt cơ trơn phế quản, vì vậy bệnh nhân bị hen suyễn cần lưu ý.
  • Thế hệ 2: Chẹn chọn lọc trên beta 1 ở tim, các hoạt chất phổ biến như: Atenolol, Metoprolol, Bisoprolol,…Nhóm này dùng được cho bệnh nhân bị hen suyễn.
  • Thế hệ 3: Nhóm chẹn có hoạt tính giãn mạch, các hoạt chất phổ biến như: Nebivolol, Carvedilol, Labetalol,…

Cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị hen phế quản, co thắt phế quản, chậm nhịp xoang. Các tác dụng phụ cần lưu ý:

  • Làm chậm nhịp tim.
  • Tăng lipid huyết.
  • Giảm khả năng tình dục.

Nhóm thuốc chẹn kênh Canxi (CCB)

Nhóm thuốc chẹn canxi hoạt động bằng cách ức chế dòng canxi vào các tế bào cơ tim và mạch máu. Điều này giúp giảm co thắt mạch máu và làm giảm huyết áp. Nhóm này thường được sử dụng trong trường hợp huyết áp cao không đáp ứng tốt với các nhóm thuốc khác hay phối hợp trị liệu.

Các hoạt chất phổ biến trong nhóm này như Amlodipin, Nifedipin, Felodipin, Diltiazem, Verapamil,…Nhóm thuốc chẹn kênh Canxi thường được phối hợp với nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACEI) mang lại hiệu quả cao. Ở bệnh nhân bị suy thận nếu dùng nhóm thuốc ACEI kém hiệu quả có thể dùng CCB thay thế.

Cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai, suy tim sung huyết, suy gan. Một số tác dụng phụ có thể gặp như đỏ bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, phù,…

Nhóm thuốc chẹn renin

Thuốc ức chế renin là một nhóm thuốc tương đối mới trong điều trị tăng huyết áp. Cơ chế hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của renin, một enzyme tham gia vào cơ chế điều hòa trong hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS).  Chính điều đó giúp làm điều hòa muối nước trong cơ thể, làm giảm huyết áp.

Có thể dùng đơn trị liệu hoặc phối hợp. Các hoạt chất phổ biến trong nhóm như Aliskiren, Analkiren, Remikiren,…Một số tác dụng phụ có thể gặp như gây tiêu chảy, phù, tăng kali huyết,…

Khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy
Khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy

Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể không có triệu chứng rõ, cách để theo dõi tình trạng bệnh là kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, đột quỵ, và suy thận. 

Việc theo dõi và tuân thủ dùng thuốc điều trị tăng huyết áp là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Cần tìm hiểu về tác dụng phụ cũng như tác động của thuốc điều trị để chọn nhóm thuốc phù hợp cho tình trạng mỗi người.

Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh
Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh

Đừng quên kết hợp điều trị thuốc với lối sống lành mạnh. Cần thay đổi, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và giảm căng thẳng để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Qua những chia sẻ mà MKT Pharma cung cấp, hy vọng sẽ giúp cho Quý bệnh nhân và gia đình có thể biết thêm 6 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp và những lưu ý. Để liên hệ tìm mua thuốc điều trị chính hãng, Quý khách hàng có thể truy cập website MKT Pharma để biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ